Thay vì tư duy lập luận đưa ra đáp án cho lời giải thì nay với hình thức thi trắc nghiệm của môn Toán, người học chỉ quan tâm đến đáp số cuối cùng.
Môn Toán là môn học từ xưa đến nay được nhiều người đánh giá cao bởi nhiều giá trị tuyệt vời chỉ môn Toán mới đem lại cho người học. Từ khả năng phân tích, suy luận giúp người học mở rộng tư duy, rèn tính cẩn thận trong từng bước, nhạy bén với mọi vấn đề. Học Toán không chỉ giúp não bộ được rèn luyện mà ngay cả tính cách cũng được tôi luyện.
Dần dần môn Toán được ưu ái đổi qua hình thức trắc nghiệm để kiểm tra năng lực người học ở nhiều dạng câu hỏi với nhiều mức độ giúp việc đánh giá năng lực người học một cách khách quan. Bài thi trắc nghiệm đối với môn toán ban đầu được kha khá nhiều đánh giá tích cực. Song, đến bây giờ không thể làm ngơ trước những hệ lụy bài thi Toán dưới dạng trắc nghiệm mang lại.
Hình thức trắc nghiệm môn Toán để lại nhiều lỗ hổng
Đánh mất bản chất của lợi ích môn Toán vốn có
Nhiều người dành vài năm đèn sách để phục vụ cho điểm thi trong kì thi tuyển sinh Đại học. Tình hình chung hiện nay, để đạt được con số cao nhất, ai nấy đều ra sức mài giũa kĩ năng học “mẹo” để đánh trắc nghiệm.
Mỗi khi nhìn đề với 4 đáp án A, B, C, D người ta bị ám ảnh cái gọi là ‘Làm sao để ra đáp số này?’, vì thế người học lẫn người dạy tìm cách tối ưu hóa thời gian làm bài, rút gọn lần lượt các bước suy luận chỉ để còn những công thức ráp số vô chỉ việc bấm máy tính vài phép tính là xong.
Nghe có vẻ đạt yêu cầu tính chất của một bài thi trắc nghiệm: tìm được đáp án đúng, làm được nhiều câu nhất trong thời gian quy định; Tuy nhiên ‘lối đi tắt’ này vô tình khiến học sinh đánh mất dần khả năng nghiên cứu, lập luận một vấn đề mà bản chất của môn Toán mong muốn hướng tới.
Mà thay vào đó, người học vẽ ra lối đi riêng tự rèn cho mình khả năng phán đoán đáp án, kĩ năng ráp công thức mà không cần biết tại sao.
Nhiều em học sinh vượt qua kì thi trắc nghiệm môn Toán THPTQG đến khi thực sự bước vào môi trường Đại học có nhiều môn tự luận đòi hỏi kĩ năng tư duy, phân tích thì không khỏi bỡ ngỡ đến vỡ òa.
Tiêu cực trong thi cử
Nổi cộm trong thời gian qua là vụ gian lận trong thi cử năm 2018 khiến nhiều người bàng hoàng. Các bài thi trắc nghiệm điểm thấp dễ dàng được các “cao nhân hô biến” thành những con điểm cách thực tế một trời một vực. Từ những em điểm liệt trở thành những gương mặt ưu tú có điểm cao đầu bảng, thậm chí có em trở thành thủ khoa trường đại học.
Ngoài những hậu quả để lại trên giấy trắng mực đen của hình thức thi trắc nghiệm thì những hành vi gian lận trong phòng thi như chỉ cần cái nháy mắt ám hiệu, các cử chỉ hành động để “giúp đỡ” nhau mà không cần tiếng nói thì liệu giám thị, người gác thi có kiểm soát hết được hay không.
Gian lận trong thi môn Toán nói riêng và bài thi trắc nghiệm nói chung
Tất nhiên, mọi thứ cần vận động để phát triển, không thể giậm chân mãi tại chỗ được. Môn Toán có những lợi ích tuyệt vời cần người học đào sâu và cần Bộ Giáo dục phát huy hơn thế nữa.
Việc đổi mới cốt để tăng sự cải tiến và phù hợp nhưng nếu phương pháp mới có nhiều tiêu cực, để lại nhiều lỗ hổng trong giáo dục và đặc biệt khiến bản chất quý giá môn Toán bị mai một, thì rất cần được điều chỉnh kịp thời.
Bởi lẽ, nền giáo dục với một đất nước cực kỳ tối quan trọng, giáo dục gắn liền với con người với xã hội. Một khi, chỉ cần chệch một bước sẽ ảnh hướng đến lớp tri thức tương lai, từ thế hệ này qua thế hệ khác, dẫn đến những hậu quả về lâu về dài rất khó sửa đổi.
Theo VOV.vn