Câu chuyện nhân sự của ngành sư phạm luôn là một trong những vấn đề “cân não” của các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới, bởi giáo dục là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển.
Những quốc gia tiên tiến đều có những chính sách để thu hút, đào tạo và giữ chân đội ngũ giáo viên giỏi nhất. Ở nhiều quốc gia, nghề giáo được xã hội tôn trọng và để trở thành giáo viên phải là những người xuất sắc không kém cử nhân ngành y. Ví dụ, tại Phần Lan, mọi giáo viên phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên trong khi ở Hàn Quốc, chỉ 5% cử nhân giỏi nhất mới có thể giảng dạy ở bậc tiểu học.
Chỉ tuyển những người giỏi nhất
Mỹ vốn được coi là một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, các nhà giáo dục của quốc gia này từng phải lặn lội sang châu Á, đến Singapore – quốc gia đang giữ ngôi vị quán quân trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) – để tìm hiểu lý do học sinh ở đây lại có thành tích cao hơn Mỹ trong lĩnh vực Toán học và Khoa học, dù giáo trình như nhau. Kết quả, họ phát hiện ra chất lượng giáo viên của quốc đảo sư tử cao hơn hẳn chất lượng giáo viên của Mỹ.
Thực tế, tại Singapore, 1/3 số học sinh tốt nghiệp loại xuất sắc mới có thể đăng ký theo học nghề giáo. Sau khi đăng ký, những thí sinh này vẫn phải qua vòng sàng lọc của Viện Giáo dục Quốc gia Singapore. Trong khi đó, ở Phần Lan, các ứng viên muốn trở thành giáo viên phải vượt qua 2 vòng kiểm tra hồ sơ và thi đầu vào. Khi thi đầu vào, thí sinh sẽ phải làm một bài kiểm tra viết và tham gia phỏng vấn. Trường chỉ chọn những người có điểm cao nhất.
Tương tự, ở Hàn Quốc, ứng viên theo đuổi ngành sư phạm cũng phụ thuộc vào hồ sơ và kết quả thi. Tuy nhiên, một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Anh, quá trình tuyển chọn không đến mức quá cầu kỳ. Tại những nước này, muốn vào ngành sư phạm, các ứng viên đều phải vượt qua kỳ thi quốc gia. Ở Nhật, ứng viên còn phải tham gia kỳ thi tuyển sinh riêng của trường. Việc trúng tuyển dựa trên kết quả của thí sinh đó tại cả hai kỳ thi. Trong khi đó, thí sinh tại Anh phải đánh ứng tiêu chí đạt điểm C trở lên trong môn tiếng Anh và Toán ở kỳ thi lấy chứng chỉ trung học.
Ai cũng có thể làm giáo viên, chỉ cần phù hợp
Trước đây, Mỹ cũng đi theo lối đào tạo sư phạm truyền thống. Tuy nhiên, sau khi Điều luật Không đứa trẻ nào bị bỏ quên được ban hành vào năm 2001, thế cờ đã thay đổi. Mô hình mới về đào tạo giáo viên có tính chất địa phương hơn ra đời, kết thúc tình trạng độc quyền trong đào tạo giáo viên của các trường sư phạm.
Tùy theo từng bang mà luật quy định tuyển hoặc đào tạo nhân lực cho ngành này khác nhau. Tuy nhiên, yêu cầu tối thiểu để làm giáo viên là có một bằng đại học và sau đó, ứng viên có thể thi chứng chỉ để hành nghề. Những cơ quan kiểm định chất lượng của từng bang sẽ quản lý vấn đề này. Theo các chuyên gia giáo dục, ít bằng chứng cho thấy việc đào tạo giáo viên theo cách truyền thống có thể dẫn đến chuyển biến đáng kể. Ngược lại, những chương trình mới gắn liền kinh nghiệm thực tiễn giúp học sinh dễ phát triển hơn.
Bên cạnh đó, nhu cầu xã hội ngày nay không khuyến khích những ứng viên xuất sắc vào ngành sư phạm. Thực tế, nghề giáo không còn được nhiều người mơ ước tại Mỹ. Một cuộc khảo sát gần đây của McKinsey cho thấy trong 1.600 sinh viên đại học, chỉ có 9% muốn theo con đường sư phạm. Một trong những nguyên nhân chính là câu chuyện về lương. Theo Bussines Insider, năm 1994, trung bình lương giáo viên thấp hơn những nghề khác có bằng cấp tương đương là 1,8%. Đến năm 2015, con số này phát triển lên mức 17% và có xu hướng tăng lên.
Ngoài chuyện lương, áp lực xã hội cũng là điều khiến những người nghĩ đến nghề giáo phải lo lắng. Thực tế này không chỉ xảy ra tại Mỹ. Ở Anh, theo kết quả khảo sát hơn 3.000 giáo viên dưới 36 tuổi của Tổ chức Giáo dục Education Datalab, gần 50% trả lời rằng vấn đề sức khỏe tinh thần có thể khiến họ nghỉ việc. Nguyên nhân là khối lượng công việc quá nhiều, thiếu hỗ trợ từ các cấp có thẩm quyền và lương bổng không đủ sống.
Tờ The Independent dẫn lời Giám đốc Rebecca Allen của Education Datalab nhận định nghề giáo đang gặp khó khăn tại nhiều nước trên thế giới, ngoài những người đã gắn bó lâu năm, nhiều giáo viên trẻ cảm thấy kiệt sức và mất động lực. Với những ưu đãi khá ít, vị thế nhà giáo không được coi trọng dẫn tới tình trạng nhiều giáo viên muốn rũ bỏ sự nghiệp, hoặc sinh viên không muốn đi “gõ đầu trẻ” là điều dễ hiểu.