Hiện nay, không ít bậc phụ huynh và học sinh đã có cách nhìn mới về mục đích của việc học. Trung cấp nghề đang là hướng đi được xã hội tin tưởng lựa chọn.
Không lỡ mất cơ hội vàng
Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, năm 2016 hệ Trung cấp tuyển sinh được 290.231 học sinh; năm 2017 là 310.000 học sinh và năm 2018 khoảng 320.000 học sinh, trong đó có khoảng 85-90% là học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS).
Trước đây, khi xã hội có xu hướng đi chung một lộ trình học tập (THCS, THPT, Cao đẳng – Đại học…), việc phải-dừng-lại ở một đoạn đường nào đó có thể là khủng hoảng đối với học sinh và gia đình. Ở đây, việc “dừng lại” không có nghĩa là “rớt tốt nghiệp”. Nhiều trường hợp vì hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, học sinh buộc phải thay đổi lộ trình học tập khác so với dự định ban đầu.
Hệ Trung cấp mở ra cánh cửa cho học sinh sau tốt nghiệp THCS có cơ hội tiếp tục học tập ngay ở những ngành nghề mong muốn, không bị bỏ lỡ thời gian để chờ đợi cơ hội tiếp theo. Ngoài kiến thức chuyên môn, chương trình đào tạo hệ Trung cấp còn bổ sung các học phần đại cương và bổ túc văn hóa. Khi ra trường, sinh viên vừa được nhận bằng Trung cấp, vừa được cấp chứng nhận đã hoàn thành chương trình THPT.
Hệ Trung cấp “học 1 được 2” mang đến những cơ hội nghề nghiệp không hề kém cạnh so với các bậc học khác.
Rút ngắn thời gian và chi phí đào tạo, có cơ hội đi làm để ổn định kinh tế sớm cũng là ưu điểm của con đường Trung cấp. So với việc học tiếp khoảng 7 năm (gồm 3 năm THPT và trung bình 4 năm Đại học), sinh viên Trung cấp chỉ mất thời gian khoảng 3 năm. Sau thời gian đó, sinh viên có thể đi làm ngay để có nguồn thu nhập cá nhân. Đồng thời, khi có thời gian và điều kiện tài chính ổn định, bằng Trung cấp sẽ là “tấm vé” liên thông Cao đẳng – Đại học dễ dàng nếu sinh viên muốn mở rộng cơ hội học tập trong ngành tương ứng.
Cơ hội việc làm cao
Thực tế cho thấy, rất nhiều ngành nghề trong xã hội đòi hỏi nhân lực có tay nghề, có thể làm việc ngay chứ không quan trọng bằng cấp. Theo Danh mục Nghề đào tạo trình độ Trung cấp năm 2019 của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội), hiện có hơn 90 nhóm ngành nghề thuộc 19 lĩnh vực được triển khai. Trong đó có những nhóm ngành luôn “khát” nhân sự trên thị trường tuyển dụng như Quản trị Nhà hàng – Khách sạn, Đầu bếp, Công nghiệp điện tử, Điều dưỡng…
Học trung cấp nấu ăn mở ra cơ hội làm bếp trưởng, kinh doanh ẩm thực.
Bám sát nhu cầu tuyển dụng thực tế là yếu tố được quan tâm của nhiều đơn vị đào tạo. Một ví dụ như tại trường Trung cấp Kinh Tế – Du lịch TP.HCM (CET), phần thực hành chiếm 80% thời lượng đào tạo, giúp sinh viên có cơ hội cọ xát, không bỡ ngỡ với môi trường làm việc thực tế sau tốt nghiệp. Đối với ngành Quản trị Nhà hàng – Khách sạn, CET bám sát các tiêu chuẩn nghiệp vụ mới nhất như: VTOS (Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam), HOTREC (Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng Khách sạn Châu Âu), Chuẩn 8 nghề Du lịch quốc gia, Chuẩn 6 nghề Du lịch ASEAN MRA-TP… Đối với ngành Kỹ thuật chế biến món ăn, sinh viên được trực tiếp thực hành cùng các chuyên gia trong lĩnh vực F&B, Đầu bếp nổi tiếng, Quản lý cấp cao của các Tập đoàn Nhà hàng – Khách sạn.
Với sự cải thiện, nâng tầm chất lượng trong thời gian qua, rất nhiều trường Trung cấp, cơ sở đào tạo nghề đã được các doanh nghiệp lớn săn đón, “đặt cọc” nhân lực tiềm năng ngay khi chưa tốt nghiệp. Điều này đã tiếp thêm niềm tin, mở ra cơ hội thành công cho nhiều thí sinh sau tốt nghiệp THCS.