Theo bảng điểm chuẩn mà Sở GD-ĐT TP.HCM công bố, trong số 107 trường THPT thì năm nay có đến 72 trường giảm điểm tuyển sinh, số trường có điểm chuẩn tăng là 27, còn lại là 5 trường giữ nguyên, 3 trường tuyển mới.
Các trường đều giảm điểm tuyển đầu vào, có trường giảm đến 5,75 điểm
72 trường giảm điểm chuẩn
Theo bảng điểm chuẩn mà Sở GD-ĐT TP.HCM công bố, trong số 107 trường THPT thì năm nay có đến 72 trường giảm điểm tuyển sinh, số trường có điểm chuẩn tăng là 27, còn lại là 5 trường giữ nguyên, 3 trường tuyển mới. Trong khi đó, vào mùa tuyển sinh trước, thành phố có đến 63 trường tăng điểm chuẩn và 23 trường giảm điểm chuẩn.
Căn cứ vào bảng điểm chuẩn của từng trường cho thấy, năm nay các trường thuộc tốp đầu đều giảm điểm nguyện vọng 1 rất đáng kể. Cụ thể, Trường THPT Bùi Thị Xuân giảm 2,5 điểm; Nguyễn Thị Minh Khai giảm 2,25; Trung học thực hành ĐH Sư phạm giảm 3,75; Gia Định giảm 3; Nguyễn Thượng Hiền giảm 3,5… Giảm mạnh nhất phải kể đến là Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp), năm trước muốn vào học trường này thí sinh phải đạt 37 điểm nhưng năm nay chỉ cần 31,25 (giảm 5,75 điểm).
Bên cạnh đó, 2 trường có điểm chuẩn thấp nhất là Trường THPT Phong Phú (H.Bình Chánh) và THPT An Nghĩa (H.Cần Giờ) với điểm chuẩn 3 nguyện vọng là 15 điểm, trung bình mỗi môn thi thí sinh chỉ cần đạt 3 điểm là trúng tuyển (môn toán, văn nhân hệ số 2).
Trong khi bình diện chung là điểm chuẩn giảm, thì riêng tại H.Hóc Môn, với 7 trường THPT trong đó có 1 trường mới, 1 trường giữ nguyên điểm chuẩn còn lại 5 trường đều tăng điểm xét tuyển đầu vào.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, nhận xét sự thay đổi về điểm chuẩn của các huyện ngoại thành cho thấy chất lượng giáo dục khu vực này đang có sự chuyển biến nên những trường như Nguyễn Hữu Cầu, Lý Thường Kiệt, Bà Điểm… là sự lựa chọn của học sinh các vùng lân cận như Q.12, Q.Gò Vấp… khiến tỷ lệ chọi tăng, điểm chuẩn tăng theo. Điều này cũng lý giải cho việc giảm điểm chuẩn của các trường khu vực Tân Phú như THPT Trần Phú, Tân Bình, Tây Thạnh, Lê Trọng Tấn, giảm từ 0,75 cho đến 3 điểm; bởi những năm trước 4 trường nêu trên là “đích ngắm” của học sinh Q.12, H.Hóc Môn.
Phải thay đổi cách học, cách dạy
Lý giải cho việc điểm chuẩn giảm, ngoài yếu tố không tính điểm nghề thì ông Hiếu cho rằng, do đề toán năm nay có nhiều câu thực tiễn, trong khi khoảng 40% học sinh chưa quen cách vận dụng kiến thức đã học để giải quyết thực tiễn cuộc sống.
Ông Hiếu cũng nhấn mạnh, Sở sẽ tiếp tục theo đuổi định hướng ra đề tuyển sinh theo hướng vận dụng để học sinh biết những kiến thức mình học được sử dụng thế nào chứ không thể học tủ.
Trên cơ sở này, giáo viên Đặng Hữu Trí, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết học sinh cần phải chủ động tìm lại hệ thống những kiến thức cơ bản ở các lớp dưới (chẳng hạn quy tắc làm tròn số). Rèn luyện kỹ năng đọc và phân tích đối với những đề bài tương đối dài, chọn lọc các ý chính để nhanh chóng tìm ra hướng đi cho bài toán. Luyện tập nhuần nhuyễn các dạng toán cơ bản sẽ dễ lấy điểm (phần này các em hay chủ quan vì bài dễ quá nên trong quá trình ôn tập không làm, đợi đến khi nào thi sẽ làm, rất dễ mất điểm). Không tập trung ôn quá nhiều vào những câu thực tế quá khó, chỉ nên ôn từ mức độ cơ bản trước sau đó nâng dần lên.
Giáo viên Nguyễn Đăng Khoa, Trường THCS Tân Túc (H.Bình Chánh), cho hay từ việc thay đổi đề thi 2 năm qua cho thấy, đề thi tuyển sinh đặt trọng tâm vào dạng toán thực tế, hình học chiếm 7,5 điểm còn lại 2,5 điểm dành cho dạng toán cơ bản. Vì vậy, năm tới học sinh phải chú tâm vào những nội dung này. Ít nhất các em phải làm được 2/3 số câu hỏi hình học và như vậy cần học kỹ lý thuyết chương trình lớp 9, xem lại kiến thức lớp 8.
Để học trò không bị động khi gặp những bài toán thực tế thì giáo viên cần xây dựng chuyên đề ôn tập và có kế hoạch ôn tập cụ thể trong năm học.
Theo Thanh niên