Khi mới có tin Bộ GD-ĐT sẽ thay đổi cách thức tuyển sinh đại học từ chỗ thi chung, dùng đề chung, sử dụng kết quả chung thành tự tổ chức thi, khá nhiều ý kiến nêu SAT (thi chuẩn hóa để đăng ký vào một số trường ĐH ở Mỹ) như một dạng đề thi mà trường sẽ sử dụng.

Thiết nghĩ, nên bình tĩnh tìm hiểu loại bài thi này, để khỏi đi từ thái cực này sang thái cực khác, gây khổ cho học sinh.

Thi SAT của Mỹ: Khác với tinh thần thi đại học kiểu VN

SAT đúng là bài thi mà nhiều trường đại học ở Mỹ (chứ không phải tất cả) sử dụng kết quả để làm một trong nhiều tiêu chí tuyển chọn sinh viên. Nhưng khác biệt lớn nhất cần phải nói ngay là tinh thần bài thi SAT khác xa tinh thần bài thi tuyển sinh đại học ở VN hiện nay.

SAT nhằm kiểm tra xem học sinh có đủ năng lực tư duy logic, năng lực đọc hiểu và diễn đạt để theo học các chương trình đại học. Nó không nhằm đánh giá học sinh theo thang bậc từ giỏi đến dở như các kỳ thi đại học ở VN. Một bên xem bài thi là phép thử đủ hay chưa đủ chuẩn để làm sinh viên; một bên là đặt ra rào chắn để học sinh đua nhau xem ai vượt được vũ môn, được bước chân vào giảng đường. Một bên thi bất kể nội dung học; một bên thi theo kiểu học gì hỏi nấy, nhiều lúc ở mức độ lắt léo. Tinh thần khác nhau thế nên nội dung bài thi, cách học, cách chuẩn bị khác xa nhau.

thi đại học Việt Nam đổi mới như kì thi SATcủa  Mỹ

Thi đại học Việt Nam đổi mới như kì thi SAT của  Mỹ

Giả sử Bộ GD-ĐT vẫn giữ kỳ thi chung như hiện nay nhưng kèm theo nhiều cải tiến, biết đâu phương án mới này vừa khắc phục các điểm yếu của “ba chung” mà lại không quay về lập lại các điểm yếu của việc các trường tự tổ chức tuyển sinh một thời rất bát nháo

Về nội dung, chắc hẳn không có chuyện dùng bài thi SAT bằng tiếng Anh (vì khả năng tiếng Anh của đa số học sinh không đủ đáp ứng), cũng chẳng có chuyện dịch nguyên xi sang tiếng Việt để học sinh thi vì như thế thì đề thi sẽ rất ngớ ngẩn. Biên soạn lại thì e rằng phải vượt qua một số trở ngại: Đầu tiên là người duyệt đề sẽ cho rằng mức độ như thế là quá dễ (?). Một bên đã quen với các câu hỏi kiến thức rất sâu sẽ không thể nào chấp nhận loại đề thi chỉ kiểm tra xem học sinh hiểu đúng một từ nào đó hay không. Một bên đã quen với việc yêu cầu học sinh viết những bài luận dài, phân tích những góc cạnh khác nhau của một tác phẩm sẽ chê đề thi chỉ bắt học sinh lập luận sao cho thuyết phục, bất kể lập trường của học sinh.

Vì thế, chỉ có thể áp dụng kiểu thi như SAT vào VN đạt hiệu quả như mong muốn, đúng tinh thần của hình thức thi này khi chúng ta thật sự thay đổi quan niệm về đánh giá, thi cử. Nghĩa là các trường chú trọng tuyển người đủ năng lực theo học hơn là đặt ra rào cản bằng những đề thi hóc búa, đánh đố. Đến giờ, điều này vẫn là trở ngại của giáo dục VN. Nếu vượt qua được trở ngại này, có nghĩa giáo dục VN đã tiến được một bước dài trong nhận thức về mục tiêu đào tạo thì lúc đó tuyển sinh đại học chỉ là chuyện nhỏ.

Những trở ngại thi đại học Việt Nam đổi mới như kì thi SATcủa  Mỹ

Ngoài ra, nếu áp dụng kiểu thi như SAT vào VN còn nhiều trở ngại khác.

Để bài thi như SAT có tác dụng tuyển sinh, phải chấp nhận thay đổi rất nhiều thói quen đã trở thành nếp, khó đổi. Đó là thí sinh có thể thi SAT bất kỳ lúc nào trong năm, vì như Mỹ mỗi năm tổ chức thi SAT đến 7 lần; thí sinh cũng có thể thi SAT bất kể đang học lớp 10, 11 hay 12. Vì thế kiến thức học có thể không trùng khớp với kiến thức thi; cái trùng khớp chỉ là phương cách học và những kỹ năng mong muốn học sinh có được sau khi học xong phổ thông. Chưa kể giả sử áp dụng sai, học sinh lơ là chuyện học chính khóa, dùng thì giờ chỉ để luyện thi SAT thì coi như hỏng.

Trở ngại khác là nơi biên soạn đề, tổ chức thi và chấm thi. SAT hiện do một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận đảm trách (College Board) nhưng tổ chức thi ở các trung tâm mà thường là trường phổ thông. Chính ban giám hiệu của các trường phổ thông quản lý đề nhận về, giáo viên trong trường coi thi rồi cũng do trường niêm phong bài gửi đi chấm.

Trong điều kiện, khả năng hiện nay của các trường THPT ở VN, chỉ mới hình dung đến đây đã thấy vô vàn khe hở khó lòng áp dụng đại trà kiểu thi này ở nước ta. Còn nếu để từng trường ra đề kiểu SAT thì chắc chắn không khả thi vì thiếu tính quy mô kinh tế.

Vẫn giữ thi chung nhưng cải tiến

Từ đó mới thấy, giả sử Bộ GD-ĐT vẫn giữ kỳ thi chung như hiện nay nhưng kèm theo nhiều cải tiến, biết đâu phương án mới này vừa khắc phục các điểm yếu của “ba chung” mà lại không quay về lập lại các điểm yếu của việc các trường tự tổ chức tuyển sinh một thời rất bát nháo.

Đó là Bộ tổ chức một Cục Khảo thí tương tự như College Board, tuyển người giỏi soạn đề kiểu SAT thật sự, công khai các dạng đề cho học sinh chuẩn bị, tổ chức thi và chấm thi nghiêm túc dựa vào mạng lưới các trường có uy tín. Ngoài SAT chung còn có các kỳ thi dựa vào kiểu mẫu SAT từng môn để giúp các trường đại học tuyển đúng chuyên ngành. Mỗi năm tổ chức nhiều lần thi, kết quả có giá trị lâu dài. Các trường đại học chỉ việc sử dụng kết quả mà thí sinh nộp để xét tuyển kèm theo các yêu cầu khác như phỏng vấn, viết bài luận… Để tự trang trải, không phụ thuộc vào ngân sách, Cục Khảo thí sẽ tính lệ phí thi cao nhưng miễn giảm cho học sinh gia đình khó khăn…

Nhìn chung, cải tiến tuyển sinh đại học là việc nên làm, nhưng nhân dịp này cải tiến đến nơi đến chốn chứ không nên từ cách làm này chuyển thành cách làm khác rồi quay trở lại cách làm cũ chứ bản chất không cải tiến gì cả.

Mục nhập này đã được đăng trong SAT. Đánh dấu trang permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *