Theo Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú, trong 5 năm trở lại đây, hiện tượng khối C “hiếm” thí sinh bắt đầu xuất hiện. Năm trước và năm nay khối này vắng bóng. Vì sao khối C dần “thất thế” trong kỳ thi tuyển sinh đại học

1. Vì sao ít thí sinh chọn thi khối C?

Trong đợt đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học tại trường THPT Nguyễn Du (Quận 10), có hơn 270 học sinh lựa chọn bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) (bao gồm các môn Vật Lý, Hoá học, Sinh học). Song song đó, có khoảng 200 em chọn tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) (bao gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Nhìn chung, số lượng bài thi Khoa học xã hội năm nay tăng đáng kể so với năm 2019, bởi hai năm có học sinh tương đương nhưng năm nay không ai chọn khối C khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.

Theo Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú, trong 5 năm trở lại đây, hiện tượng khối C “hiếm” thí sinh bắt đầu xuất hiện. Năm trước và năm nay khối này vắng bóng. Theo thầy, các thí sinh hiện nay đang có đa dạng sự lựa chọn trong khối xét tuyển, không chỉ đơn thuần là những khối A, B, C, D như trước. Bởi lẽ, các trường đại học, cao đẳng hiện nay đã bắt đầu sử dụng phong phú các tổ hợp xét tuyển hơn. Chẳng hạn, thay vì thi khối Văn – Sử – Địa thì thí sinh cũng có thể chọn Văn – Sử – Tiếng Anh.

Từ rất nhiều năm nay, quy chế kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đã được tiến hành với ba môn chính là: Toán – Văn – Tiếng Anh. Chính vì vậy, ngay từ năm lớp 9, HS dường như đã “bỏ mặc” các môn như Sử và Địa. Bên cạnh đó, một vấn đề thường xuyên bị mang ra bàn tán tại các trường THPT đó là việc dạy các môn KHXH chưa thật sự tạo được hứng thú cho học sinh. Đây cũng chính là lý do khiến những môn KHXH dần bị “khan hiếm” học sinh theo học.

Image

Khối C gần như “biến mất” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Điển hình, trường THPT Thành Nhân (Quận Gò Vấp) hiện đang có 365 học sinh khối 12. Tuy nhiên, 365 em này đều chọn bài thi KHTN để đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Đồng nghĩa, không có em học sinh nào chọn khối C vào đại học.

Giải thích vấn đề này, Hiệu trưởng Nguyễn Định Độ chia sẻ rằng trường vốn có thế mạnh ở các môn KHTN. Vì vậy trong khâu tuyển sinh lớp 10 ban đầu, các em dự kiến chọn ban tự nhiên vào đại học mới đăng ký học ở trường. Tuy nhiên, không vì lý do này mà nhà trường “lãng quên” các môn xã hội. Theo thầy, trường vẫn dạy đều các môn, chú trọng các chương trình giáo dục về lịch sử, văn hóa cho các em học sinh trong suốt quãng thời gian 3 năm ngồi trên ghế phổ thông.

“Các em không chọn khối C bởi sự lựa chọn ngành nghề ít hơn các khối tự nhiên hoặc ngoại ngữ. Chưa kể cơ hội kiếm việc làm sau khi ra trường ở khối này cũng ít hơn”, Thầy Độ nói.

Đồng quan điểm với thầy Độ là bà Lại Thị Thắm, hiện đang phụ trách chuyên môn trường THPT Nhân Việt (Quận Tân Phú). Bà cho biết, thực tế cơ hội xét tuyển đại học và chọn ngành nghề của khối C ít hơn so với các khối A, B, D. Tại trường THPT Nhân Việt, có khoảng 1.114 nguyện vọng vào đại học nhưng chỉ có 77 nguyện vọng chọn khối C, còn lại chọn A (Toán, Lý, Hoá) hoặc B (Toán, Hoá, Sinh).

Hiện, tiếng Anh là môn học quan trọng với tất cả ngành nên việc lựa chọn tổ hợp có tiếng Anh cũng phù hợp với xu thế. Học sinh ở các thành phố lớn thường được cha mẹ đầu tư cho học tiếng Anh từ nhỏ, do đó xu hướng sẽ không chọn khối C.

2. Cần hiểu và cảm nhận tầm quan trọng của các môn KHXH

Thống kê số lượng nguyện vọng theo tổ hợp trên cả nước ba năm gần nhất cho thấy, khối C chỉ chiếm 9-10% trong số các tổ hợp xét tuyển. Năm 2017 có hơn 277.000 đăng ký khối C, năm 2018 khoảng 279.000, năm 2019 là 248.000.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, trường Đại học Công nghiệp TP HCM) cho rằng, hiện tượng thí sinh không chọn khối C là điều dễ hiểu và không đáng lo. Không thể nói các em không còn Văn, Sử, Địa hay khoa học xã hội bị xuống cấp.

Image

Có rất nhiều tổ hợp xét tuyển sử dụng bài thi môn khoa học xã hội

Là người có kinh nghiệm làm tư vấn tuyển sinh, ông Sơn cho biết học sinh hiện nay hiểu và cảm nhận tầm quan trọng của các môn KHXH, vẫn chọn các môn xã hội cho nguyện vọng vào đại học. “Thay vì chọn xét tuyển cả hai môn Sử và Địa như trước đây, những em yêu thích các môn xã hội có thể chọn các tổ hợp Văn, Sử, Anh hay Văn, Địa, Anh. Cách lựa chọn như thế dễ phù hợp hơn”, ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, ông Sơn đề cập đến phương án xét tuyển bằng học bạ. Đây chính là phương thức tuyển sinh đang được sử dụng rất phổ biến ở các trường đại học hiện nay. Thông qua đó, HS phải học đều các môn, không quá lệch về một khối nào.

Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đến chiều 5/7, có 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong đó, hơn 51.700 em là thí sinh tự do, chiếm 5,74%.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *