Lựa chọn ngành nghề HOT là chủ đề vô cùng phổ biến đối với học sinh và phụ huynh trong các buổi hướng nghiệp 2020. Vậy đâu là những ngành nghề hấp dẫn nhất hiện nay? Làm thế nào để bạn có thể xem ngành nghề nào phù hợp với mình? 

Ngành nghề HOT là gì?

Theo ông Đức, một ngành nghề HOT phải hội đủ được những yếu tố sau:

Thứ nhất, ngành nghề đó phải phù hợp với sở thích, khả năng nghề nghiệp, tính cách, năng lực học tập, điều kiện kinh tế và cả sức khoẻ của người học.

Thứ hai, ngành nghề đó phải tạo được cho người học nhiều cơ hội nghề nghiệp cũng như tiềm năng phát triển, điển hình là những ngành có “biên độ ứng dụng nghề nghiệp rộng rãi”. Học một ngành có thể làm được nhiều nghề và dùng kiến thức nhiều ngành để làm một nghề đang và sẽ là xu thế của thị trường lao động. Điều này là rất quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trong nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam.

Thứ ba, sau khi tốt nghiệp, thị trường lao động của ngành nghề đó có nhu cầu trong hiện tại và tương lai hay không?

Thứ tư, những ngành nghề hấp dẫn hiện nay nên được chọn song song với những cơ sở đào tạo (trong và ngoài nước) uy tín, chất lượng. Điều này để đảm bảo chất lượng đào tạo, cơ hội và khả năng phát triển nghề nghiệp sau khi ra trường.

Những sai lầm khi xác định ngành nghề 

Mỗi học sinh sẽ có tiêu chí khác nhau để xem ngành nghề phù hợp. Tuy nhiên, vẫn có một số sai lầm mà các bạn trẻ thường mắc phải như: 

1. Ngành nghề hấp dẫn là ngành có thu nhập và nhu cầu thị trường lao động cao.

Thực tế, ngành nghề thu nhập, nhu cầu cao chưa hẳn bạn trúng tuyển hoặc vào được nhưng lại không có khả năng học, đành “đứt gánh giữa đường”. Học được nhưng chưa chắc khi ra trường làm được vì có thể bản thân không đam mê, không phù hợp hoặc lúc ra trường ngành nghề này không còn nhu cầu nữa. Theo dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới, sẽ có khoảng 49% công việc hiện nay biến mất trong 20 năm tới.

2. Ngành nghề hấp dẫn phải là thời thượng, nghe phải “hoành tráng”, “giá trị” bản thân sẽ tăng lên khi nhắc tới.

Những năm qua có thể thấy nhiều ngành nghề có tên “công nghệ”, “quản trị”, “quốc tế” thường có rất nhiều bạn học sinh đăng ký mà không cần biết bản thân có phù hợp không và không cần hiểu nội dung, đặc điểm, yêu cầu của ngành nghề.

3. Trúng tuyển dễ, học nhẹ nhàng

Đây là một tiêu chí nổi lên trong nhiều năm gần đây trong lựa chọn ngành nghề của học sinh. Điều này thể hiện ở số lượng thí sinh đăng ký vào khối ngành kinh tế luôn chiếm tỷ trọng áp đảo. Ví dụ chỉ tiêu của ngành này ở hệ đại học năm 2019 có 126.470 nhưng số nguyện vọng đăng ký lên tới 822.950.

Khối ngành kinh tế được rất nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo vì dễ tuyển sinh, chi phí đào tạo thấp, lợi nhuận cao. Việc số lượng thí sinh đăng ký quá nhiều vào lĩnh vực kinh tế thể hiện hội chứng lựa chọn theo kiểu phong trào và làm mất cân đối giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng. Quy mô và mức độ phát triển của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam không hấp thụ được hết số nhân lực quá lớn như vậy. Hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội sẽ thấp và ảnh hưởng đến phát triển của quốc gia. Người học sẽ chịu nhiều tổn thất lớn về công sức, thời gian, tiền bạc, cơ hội nghề nghiệp nếu chạy theo tâm lý phong trào.

ImageĐể quá trình học đại học diễn ra thuận lợi nhất, người học nên chọn ngành nghề phù hợp với mình

Ngành nghề HOT nào phù hợp với bạn?

Sau tác động của Covid-19, thế giới đã bắt đầu chuyển mình sang một trạng thái “bình thường mới”. Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tạo ra những biến đổi sâu sắc trong hoạt động kinh tế cũng như trong đời sống xã hội, nhất là cơ cấu ngành nghề và việc làm. Trong bối cảnh này, dự báo các nhóm ngành nghề tại Việt Nam sẽ có xu hướng phát triển mạnh như sau:

1. Nhóm ngành Khoa học sức khoẻ sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sản xuất thực phẩm tăng cường sức khỏe: Kinh tế – xã hội càng phát triển thì yêu cầu và nhu cầu đối với các ngành này càng cao, nhất là đại dịch cho thấy mức độ ảnh hưởng, tầm quan trọng của nó đối sự phát triển của quốc gia.

2. Nhóm ngành Công nghệ thông tin, viễn thông và các ngành thương mại điện tử, kinh doanh online: Trong thời kỳ bùng nổ của cách mạng 4.0, bất kỳ tổ chức nào cũng đều có website, Facebook, mạng nội bộ và các kênh truyền thông trên mạng khác để kinh doanh, tương tác với khách hàng. Trong tiến trình này, vấn đề bảo mật và đảm bảo an toàn thông tin các tổ chức đều cần đến. Sau Covid-19, nhu cầu mua hàng trực tuyến, học online, làm việc online sẽ tăng lên… Vì thế nhóm các ngành Công nghệ thông tin, viễn thông và các ngành thương mại điện tử sẽ có cơ hội phát triển nhiều và mạnh hơn.

3. Ba là nhóm ngành Phát triển Internet di động, điện toán đám mây và phân tích Dữ liệu lớn: Ngày nay, Internet di động được áp dụng trong hầu hết lĩnh vực thương mại. Tốc độ nhanh và sự tiện lợi của nó đã giúp con người tăng năng suất công việc. Những nghề nghiệp như chuyên gia phân tích dữ liệu hay nhà phát triển ứng dụng hiện tại không còn là độc quyền của ngành công nghệ thông tin và truyền thông mà đã trải rộng khắp các lĩnh vực khác như Tài chính và Đầu tư, Truyền thông tin tức và giải trí. Nhu cầu nhân lực có kỹ năng phân tích dữ liệu lớn đang có tốc độ phát triển rất nhanh.

4. Nhóm ngành nông nghiệp gắn với công nghệ cao, sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp: Nhu cầu về lương thực, thực phẩm thời gian tới vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên. Nông nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia và phát triển mạnh mẽ hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới.

5. Nhóm ngành công nghệ kỹ thuật như: cơ khí, cơ khí chế tạo, điện tử, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo: Covid- 9 đã cho mọi quốc gia thấy tầm quan trọng của công nghệ nội địa cho nền an ninh quốc gia nên dự báo sẽ có sự thay đổi lớn trong chiến lược, chính sách sản xuất nội địa. Đồng thời, giai đoạn hậu Covid-19 sẽ có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng có lợi cho Việt Nam. Các ngành trên sẽ có nhiều cơ hội phát triển từ sự thay đổi đó.

6. Nhóm ngành công nghệ sinh học: Ngành công nghệ sinh học cũng đang dần được định hình lại và phát triển đột phá. Sự tích hợp kỹ thuật số – vật lý – sinh học sẽ khiến ngành Công nghệ sinh học có sức mạnh to lớn trong sản xuất thực phẩm, chữa bệnh, y tế…

7. Nhóm ngành Dịch vụ Tài chính và Đầu tư: Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và máy học (Machine learning), ngành này sẽ có sự chuyển dịch rõ rệt, với cơ hội việc làm to lớn cho những vị trí cần xử lý máy tính và cấu trúc dữ liệu, bảo mật thông tin, phân tích dữ liệu và mạng máy tính.

Hy vọng bài viết trên đã có thể thể giúp bạn xem ngành nghề HOT nào phù hợp với mình nhất. Hiện nay đang xuất hiện đa dạng những ngành nghề hấp dẫn, hãy lựa chọn ngành nghề bản thân cảm thấy đam mê và hứng thú nhất.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *